Bối cảnh Chiến_dịch_Thăng_Long_(1786)

Sau khi tiếp nhận sự hàng phục của Tây Sơn năm 1775, Bắc Hà duy trì sự hòa hoãn với phía nam và mở lãnh thổ tới vùng Thuận Hóa.

Năm 1786, sau khi đánh bật họ Nguyễn ra khỏi lãnh thổ Đại Việt, Tây Sơn tính đến việc đánh chiếm Thuận Hóa. Theo đề nghị của hàng tướng Nguyễn Hữu Chỉnh, thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy, cùng các tướng Nguyễn Lữ, Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm tiến đánh Phú Xuân.

Ngày 16 tháng 6 năm 1786, quân Tây Sơn chiếm được thành Phú Xuân. Kế hoạch chiếm Thuận Quảng để nắm toàn bộ lãnh thổ Nam Hà do chúa Nguyễn cai quản trước đây của Nguyễn Nhạc hoàn thành.

Nguyễn Huệ định cho quân tu sửa trường lũy Động Hải, vẫn giữ địa giới cũ với Bắc Hà ở La Hà. Lúc đó Nguyễn Hữu Chỉnh đưa ra đề nghị[3]:

"Tướng công đánh một trận được đại thắng, uy danh chấn động cả thiên hạ. Đường lối dụng binh, một là thời, hai là thế, ba là cơ hội, nếu có thể dựa vào ba điều ấy, thì đánh đâu mà không được. Nay ở Bắc Hà, quân lính thì kiêu ngạo, tướng súy thì lười biếng, triều đình lại không có kỷ cương gì. Tướng công mang uy thanh ấy, nhân lúc bên kia đã đỗ nát, nếu thực biết dùng danh nghĩa "phò Lê, diệt Trịnh" thì thiên hạ ai mà không hưởng ứng? Đấy là cơ hội và thời, thế đều không thể để nhỡ được".

Nguyễn Huệ cho là phải, bèn quyết định không dừng binh mà phát động cuộc tấn công mới ra Thăng Long.

Ngoài bắc, ngày 19 tháng 6 chúa Trịnh đã nhận được tin quân Tây Sơn tiến ra đánh tới sông Gianh. Sau khi bàn định với các tướng, Trịnh Khải quyết định cử các tướng đi tăng cường phòng thủ miền duyên hải, nhưng các tướng được lệnh không ai chịu đi vì sợ quân Tây Sơn[4].